Nhắc đến mảnh đất Nghệ An, chúng ta sẽ thường nghĩ ngay đến Nam Đàn quê Bác, hay là nghĩ đến bãi biển Cửa Lò, nghĩ đến những người dân chân chất thật thà giọng nằng nặng mô tê răng rứa, cùng với đó là những nụ cười đôn hậu. Có lẽ bởi thế nên du lịch Nghệ An luôn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những lữ khách đang xa. Và đương nhiên đến với mảnh đất miền Trung mến thương này chúng ta cũng không thể bỏ qua những món ngon khó cưỡng với hương vị đậm chất xứ Nghệ ai ăn rồi cũng vương vấn cả đời. Dưới đây là những món ăn đặc sản tạo nên một nền ẩm thực Nghệ An khác lạ.
Khoai xéo – món ăn bình dị của người dân xứ Nghệ
Có lẽ đây chính là món ăn cực kỳ dân dã và giản dị của người dân xứ Nghệ. Nghệ An là mảnh đất nghèo, mùa hè thì gió Lào quạt khô khốc, mùa tháng 8 thì bão về. Thế nên cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Cũng nhờ thời tiết ấy nên vùng đất Diễn Châu – Nghệ An đất cồn và đất thịt rất phù hợp để trồng khoai lang. Những củ khoai sau khi được dỡ, sẽ được rửa sạch sẽ, gọt sạch vỏ, thái thành từng miếng nhỏ, phơi khô dưới nắng. Đến những ngày mưa bão, bắc nồi khoai lên bếp, thêm ít nếp, đỗ rồi nấu khoai xéo thì ngon hết xảy. Với món khoai xéo thì đây chính là đặc sản của Diễn Châu vì ở đó đất tốt, khoai tơi và ngon.
Bánh mướt Diễn Châu – món bánh cực ngon
Nhắc đến Diễn Châu không ít người sẽ nghĩ ngay đến món bánh mướt cực ngon và hấp dẫn ở nơi đây. Diễn Châu có rất nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng. Những chiếc bánh trắng, mịn được làm từ bột gạo. Bánh hấp chín trên nồi hơi rồi cuốn lại, thêm ít hành khô phi mỡ thơm lừng. Quy trình làm bánh mướt cũng cần sự khéo léo từ đôi bàn tay. Những bàn tay thoăn thoắt khuấy bột, gạt bánh, cuốn bánh nhanh, khéo để miếng bánh chín không bị nát ra và được cuộn tròn thành từng chiếc dài. Bánh mướt thường được bán theo đĩa hoặc theo tùy vào người mua. Nhưng bán theo từng một chục (tức là 10 chiếc bánh trở lên). Nhưng nếu bạn mua ở chợ có thể rẻ hơn với 10.000 đồng/chục bánh.
Gà xáo Thanh Chương – món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình
Xáo gà Thanh Chương là món ngon nổi tiếng. Món này có trong thực đơn đãi khách của nhiều gia đình xứ Nghệ. Điểm đặc biệt ở khâu chế biến của món này khác với các vùng miền khác là cách dùng các gia vị ‘mộc’. Nguyên sơ và dân dã nhất để nêm nếm như muối hạt, lá chanh, nghệ tươi giã. Nhưng lại tạo nên hương vị đậm đà, tinh tế, ngọt thơm rất riêng. Món xáo gà không sử dụng nước mắm. Vì sẽ dậy mùi, làm mất hương vị đặc trưng của thịt gà. Ngoài ra, món ăn gây thương nhớ khi chế biến thêm phần mọc từ xương gà bằm nhuyễn. Qua đó giữ sự tế nhị, tinh tế cho thực khách. Khi dùng bữa mà không phải xé, gặm lóc thịt như nhiều món hấp, luộc khác.
Thành phẩm thịt gà bên ngoài săn. Bên trong mềm vừa phải, mọc giòn sần sật. Nước xáo ngọt tự nhiên sánh màu vàng ươm, dậy mùi thơm đặc trưng của hành tăm nổi tiếng của Nghệ An. Món ăn này chắc chắn là lựa chọn thú vị cho gia đình thử nhân dịp cuối tuần. Xáo gà Thanh Chương ăn chơi, làm mồi nhậu hay ăn cùng cơm trắng, bún, bánh mướt (bánh cuốn) rất hấp dẫn.
Bắp bò kho mật mía – món ăn truyền thống của người dân Nghệ -Tĩnh
Bò kho mật mía tên gọi khác bò kho khô. Đây là món ngon truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Nghệ -Tĩnh. Gia vị đặc trưng trong món ăn này là mật mía Nghệ An ngọt thanh và đậm đặc hơn hẳn mật mía các nơi khác. Món này luôn ‘cháy hàng’ trên mâm cỗ dịp Tết. Bắp bò kho mật mía thường ăn cùng dưa hành muối, bánh chưng.
Dọc mùng muối chua – với sự đa dạng trong cách nấu
Dưa mùng muối chua là món ăn truyền thống, dân dã của người dân Nghệ An. Hầu như, các gia đình nơi đây đều trồng một vạt mùng tươi xanh quanh năm. Để làm nên hũ dưa mùng ngon cũng trải qua nhiều công đoạn. Đem dọc mùng phơi héo chút ở nơi râm mát. Rồi đem ngâm với nước muối loãng để không bị ngứa. Nước muối được nấu từ nước vo gạo lọc phần trong kết hợp cùng muối hạt và chút đường để nguội. Từ dưa mùng muối chua, có nhiều món ngon gây thương nhớ của nhiều người dân xa quê như: Dưa mùng trộn lá chanh và giá đỗ, dưa mùng nấu canh cá, dưa mùng nấu ngao, nộm dưa mùng…
Ngan nấu giả cầy – món ăn gây thương nhớ
Ngan nấu giả cầy kiểu Nghệ An không cho mẻ chua như ở miền Bắc. Mà cho mật mía và các gia vị đặc trưng. Như lá tắt (lá quýt hôi) cùng riềng, sả, nước chè xanh om. Điều này giúp thịt chín mềm mà vẫn chắc, ngon, không bở. Vị ngọt từ mật mía quyện với vị mặn mòi của mắm tôm. Nước dùng óng lên màu nâu đỏ khiến cho món ăn dễ dàng chiếm thiện cảm cả với người lần đầu thưởng thức. Món này ăn kèm cơm trắng, bún hay bánh mướt (bánh cuốn Nghệ An) đều rất ngon. Những người con xứ Nghệ dù đi đâu vẫn luôn nhớ về hương vị đặc trưng của món ăn này.