Đến với Hà Nội, sẽ có những điều níu chân du khách tới chẳng nỡ rời xa. Một trong số đó chính là nét văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành. Mỗi một món ăn nơi đây đều mang đậm hương vị hoài cổ, rất truyền thống, rất Việt Nam. Và có lẽ sẽ chẳng ở đâu mà chúng ta có thể tìm kiếm được đúng cái hương vị ấy ngoài mảnh đất thủ đô này. Bánh cuốn Thanh Trì chính là một trong những món ăn như vậy, là một món ăn được lưu truyền từ nhiều đời, bánh cuốn Thanh Trì chính là một trong số các món ăn Hà Nội níu chân thực khách gần xa. Theo dõi bài viết dưới đây và tìm hiểu nhiều hơn về món bánh cuốn Thanh Trì tại đất Hà Nội nhé!
Nguồn gốc bánh cuốn Thanh Trì
Theo tích dân gian, Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long xưa. Từ thời Hùng Vương, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất đai, cấy lúa trồng màu. Nghề làm bánh cuốn cũng được hình thành và nổi tiếng từ đây. Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam khẳng định, bánh cuốn Thanh Trì là quà chính tông của người Hà Nội. Lá bánh mỏng như tờ giấy, trong như lụa, dẻo và thơm, ăn với chả lợn béo hay đậu rán nóng.
Vũ Bằng cũng chỉ ra cái đặc biệt ở bánh cuốn Thanh Trì là tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm thì thanh nhẹ, mát rượi, “chưa đến môi đã trôi xuống cổ”. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, ông kể “đã đi nhiều chợ quê, ăn thử hết các mặt bánh cuốn nhưng hoặc là bánh tráng dày quá hoặc là bột xay nồng quá hoặc là hành mỡ gia thô quá nên càng làm nhớ hơn thứ bánh cuốn Thanh Trì”.
Cách chế biến bánh cuốn Thanh Trì đúng điệu
Bánh cuốn Thanh Trì có nguồn gốc từ phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là món ăn nổi tiếng không chỉ riêng với người Hà Nội mà còn trở thành nguồn cảm hứng ở trong cả thi ca:
Thanh Trì có bánh cuốn ngon,
Có gò Ngũ nhạc, có con sông Hồng,
Thanh Trì cảnh đẹp, người đông,
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.
Khác với các loại bánh cuốn thông thường mà các bạn hay ăn ở ngoài, Bánh cuốn Thanh Trì được chế biến theo một cách đặc biệt và thưởng thức cũng rất khác biệt. Gạo để làm nên món bánh cuốn nhất định phải là gạo Khang dân với đặc điểm không quá dẻo, cũng không quá mềm để làm ra được một loại bột mịn nhưng nát. Gạo sau đó sẽ được đem đi ngâm trong khoảng từ 2 – 3 tiếng trước khi đi xay thành bột. Bột này sau đó sẽ được đem đi vào cùng với nước theo một tỉ lệ phù hợp. Tiếp theo là đến công đoạn tráng bánh.
Bánh cuốn sẽ được tráng ở bên trên một lớp vải trắng, được bọc ở trong một nồi nước đun sôi đúng chuẩn 100 độ. Khi bánh đã chín, người chế biến sẽ dùng một cây đũa tre, từ từ nhấc những lớp bánh mỏng tang, màu trắng trong. Sau đó bánh sẽ được thoa thêm một lớp mỡ của hành tím rồi xếp lại.
Các công đoạn làm bánh
Công đoạn làm bánh nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng phải thực sự thuần thục thì mới có thể thực hiện được. Khi tráng bánh phải biết tráng làm sao để lớp bánh mỏng đều, không bị dày quá cũng không bị mỏng quá. Khi dùng cây đũa tre để nhấc bay, cũng phải thật khéo léo để lớp bánh không bị đứt, hay rách ra ngoài. Tất cả đều phải nhờ đến sự nhuần nhuyễn. Nó cần được tôi luyện qua thời gian của người dân nơi đây.
Một đặc điểm mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ở bánh cuốn Thanh Trì khác biệt so với những loại bánh cuốn khác là bánh không hề có nhân bên trong. Bánh ở đây 100% từ bột gạo. Vì thế mà bánh có một màu trắng đặc trưng, theo từng lớp từng lớp. Khi ăn vào sẽ cảm thấy rõ được hương vị bột gạo thanh thanh, đúng chuẩn.
Bánh cuốn Thanh Trì đúng điệu sẽ được ăn kèm cùng với đậu rán, chả quế, giò lụa. Sẽ có thật nhiều hành phi rắc lên bên trên. Phần nước chấm của bánh cuốn được pha một cách cầu kì. Đó là sự kết hợp của nước mắm, dấm nếp, tinh dầu cà cuống, 1, 2 lát ớt tươi, hành phi.
Địa chỉ bán bánh cuốn Thanh Trì ngon
Xưa kia, bánh cuốn Thanh Trì thường được đem đi bán rong. Dễ bắt gặp những hình ảnh những người phụ nữ đội thúng ở trên đầu. Chỉ cần có khách gọi là người bán hàng sẽ bỏ thúng xuống. Người bán lật dở từng lớp bánh cuốn một cách nhẹ nhàng rồi để ra đĩa. Cách bánh làm đôi rồi xếp chồng lên nhau.
Tuy nhiên, do sự thay đổi của thị trường, những hàng bánh cuốn đi bán rong cũng dần dần mất đi, một trong những địa chỉ nổi tiếng bán bánh cuốn Thanh Trì tại Hà Nội là cửa hàng Bánh cuốn Bà Hoành ở số 66 Tô Hiến Thành. Đây là một cửa hàng bánh cuốn hiếm hoi vẫn giữ được hương vị bánh cuốn Thanh Trì truyền thống. Bánh ở đây trắng tinh, chay và không có nhân. Nếu ai không ăn quen sẽ thấy hơi nhạt nhẽo. Phần nước chấm ở đây đặc trưng có phần nâu đậm. Nó khác với những quán khác, ăn kèm với những miếng chả nóng hổi.
Bánh cuốn Thanh Trì với hương vị dân dã tự nhiên được lưu truyền bao đời nay. Nó đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người Hà Nội. Có lẽ với những người con Hà thành đi xa thì đây cũng là một hương vị đầy nhung nhớ.