Ông bà ta xưa hay nói đói ăn rau, đau uống thuốc, cho nên nhiều người đã cho rằng món gỏi lá rau rừng này xuất hiện từ thời thiếu đói, buộc phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng cũng chính điều này chúng ta có thể thấy sức khỏe của những người ăn rau nhiều thường ít khi bị bệnh. Điều này có thể được cho là chính xác, nhưng ẩm thực chính là một nghệ thuật giúp con người luôn có sự sáng tạo để mang đến cho chúng ta những món ăn ngon, chính vì thế món gỏi lá rau rừng là minh chứng cho sự sáng tạo đó. Món gỏi lá rau rừng không chỉ là một món ăn đặc biệt mang hương vị ẩm thực Tây Nguyên và còn là một vị thuốc quý cho sức khỏe con người.
Cách chế biến món gỏi lá rau rừng đúng với hương vị Tây Nguyên
Gỏi lá “đúng chuẩn” đạt kỷ lục về số lượng rau: có đến 40, 50 loại. Từ các loại quen thuộc như cải, tía tô, hành, rau húng, diếp cá, rau mơ… Đến các loại lá cây trong vườn nhà như đinh lăng, sung, xoài, ổi, chùm ruột, ngũ gia bì, chùm bao, lá lốt, càng cua, me đất, cải trời, lá nhàu, rau tần, sống đời, cam leo, lá giang, cam thảo đất, rau sam, xá xị, ngành ngạch… Và rất nhiều loại lá rừng Tây Nguyên mà không nhiều người biết tên. Món gỏi lá đơn giản dễ làm được khá nhiều bà con đồng bào Tây Nguyên chế biến để đãi khách khi đến nhà chơi. Dorgnon sẽ giới thiệu cách làm để các bạn có thể làm theo và ăn thử cho biết nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Muối: 5 gram
Riềng: 15 gram
Gừng: 15 gram
Tiêu hạt: 15 gram
Tôm sú: 200 gram
Muối hột: 20 gram
Thính gạo: 50 gram
Rượu trắng: 100 ml
Thịt ba chỉ: 200 gram
Nước cốt chanh: 30 ml
Cá lóc phi lê: 200 gram
Ớt hiểm xanh: 15 gram
Lá rừng các loại: lá cóc, lá xoài, lá sung, lá ổi, lá chiếc, lá đinh lăng, lá lụa, đọt bứa, lộc vừng… Chọn lá non (khoảng 20-50 lá)
Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế nguyên liệu sốt: Tôm khô rửa sạch ngâm nở 30 phút vớt ra giã nhỏ. Thịt xay nhuyễn. Hành tím lột vỏ, băm nhỏ; riềng gọt vỏ, băm nhỏ.
Cách làm sốt: Cho dầu ăn vào nồi, dầu nóng cho hành tím và riềng vào phi vừa vàng thơm. Tiếp tục cho tôm khô vào xào nhanh tay. Sau đó cho thịt xay vào xào cho săn thịt lại, rồi cho sa tế cùng với mẻ vào đảo nhanh tay. Sau cùng cho nước dùng vào nấu sôi lên, vớt bọt hạ lửa nhỏ rồi cho trứng vịt đã đánh tan vào nấu khoảng 1 giờ, sau đó nêm vào 2 gram muối. Nếm lại vừa ăn rồi tắt lửa.
Sơ chế nguyên liệu gỏi: Các loại lá rừng, rửa sạch, để ráo. Tôm, thịt rửa sạch để ráo. Cá lóc rửa qua 50 ml rượu trắng với 5 gram muối, để ráo, lau khô. Gừng, riềng giã nhuyễn pha chung với 50 ml rượu, 30 ml nước cốt chanh. Cho 20 gram muối hạt vào chén, cho tiếp tiêu hạt và ớt hiểm xanh vào, giã nhuyễn.
Trình bày
Tôm luộc chín lột vỏ bỏ đầu, giữ lại phần đuôi, chẻ đôi nếu tôm lớn. Thịt ba chỉ luộc chín để nguội cắt miếng mỏng sắp ra dĩa.
Cá lóc cắt miếng mỏng ngâm qua hỗn hợp nước chanh, rượu, gừng, riềng 10 phút rồi vớt ra lau khô, sau đó đem lăn qua với thính, sắp lên dĩa.
Xếp các loại lá ra mâm. Xếp cá, tôm, thịt ra đĩa, dọn ăn kèm với nước xốt và muối tiêu ớt. Khi ăn, lấy mỗi loại lá một ít cuộn thành hình phễu, cho tôm thịt, cá vào bên trong, chan nước xốt nóng lên.
Vậy là bạn đã làm xong món gỏi lá, một trong các món ăn đặc sản của người Tây Nguyên. Dùng kèm rượu trắng thì không còn gì tuyệt hơn, chúc các bạn ngon miệng.
Bí quyết giúp món gỏi lá rau rừng được ngon và đậm đà hơn
Có thể thay cá lóc phi lê bằng cá diêu hồng, cá tai tượng hoặc phi lê cá mú.
Chỉ trộn thính vào cá trước khi ăn để thính không bị ướt.
Chọn các loại lá tươi non, lá già sẽ bị xơ.
Điều đặc biệt hấp dẫn du khách ở món gỏi lá rau rừng
Gỏi lá hấp dẫn đặc biệt bởi mỗi lần cuốn thực khách lại dùng vài loại lá khác nhau, cho mùi vị khác nhau: chua chua của đọt xoài, lá cóc, lá bưa; bùi bùi lá mơ; chan chát lá ổi, lá sung; thơm thơm lá trâm… Người ta còn gọi món gỏi lá là món ăn bài thuốc bởi có rất nhiều loại rau lá là vị thuốc rất hay. Chẳng hạn, lá sung vị chát, mặt lá có hột trị bệnh ung thư. Lá đinh lăng trị chứng mồ hôi trộm, nhức đầu, đau lưng và các bệnh khớp.Ngải cứu vị ngọt có tác dụng giải cảm, trị đau bụng, nhức mỏi. Lá mơ xanh và đỏ trợ tiêu hóa, trị đau bụng. Lá sống đời cầm máu, trị ho. Chùm bao giúp an thần, ngủ ngon…