Tình hình dịch bệnh trong nước hiện đang rất phức tạp, người dân không thể ra khỏi nhà, hàng hoá lại không thể lưu thông. Năm nay, nông sản được mùa nhưng lại không được giá, đây là nỗi lo của tất cả nông dân. Quả vải cũng không ngoại lệ, lượng tiêu thụ và giá vải năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nếu có thể các bạn hãy mua giúp những bác nông dân nhé. Và hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm một món nước uống từ quả vải và loại nước uống này còn có thể bảo quản được lâu, đó là làm nước vải ngâm. Vải ngâm đem ướp lạnh ăn vào mùa hè thì cực đã. Cảm giác sau khi ăn rất thanh mát, giòn dai, giải nhiệt cơ thể.
Nguyên liệu cần dùng để làm vải ngâm
1kg vải
500 gram đường
500ml nước
1 chút muối
Lá dứa
Cách làm vải ngâm
Vải sau khi mua về, đem đi cắt cuốn rồi rửa sạch vải, để ráo. Làm nước đường ngâm. Đường để ngâm vải nên chọn đường phèn kết tinh tự nhiên. Với 1kg vải dùng 500ml nước + 500gr đường phèn + chút muối, một nắm lá dứa. Nấu tan đường và để sôi nước đường trong tầm 10 phút cho đường keo lại; sau đó để nguội. Lưu ý: vừa nấu vừa khuấy nhẹ để tan đường; cũng như không để phần đường còn lắng đọng ở đáy nồi bị khét
Trụng quả vải trong nước sôi 2 phút. Bước này giúp thịt vải được ngấm đường tốt hơn; giữ vải được lâu hơn, vải cũng dịu bớt độ chua. Khi nước sôi mọi người cho quả vải còn nguyên vỏ vào nồi nước. Lúc này vặn lửa ở mức nhỏ nhất, ngâm vải trong nước sôi này 2 phút và vớt ra cho ngay vào thau nước đá lạnh.
Lột vỏ, bỏ hạt quả vải. Quả vải sau khi lột vỏ bỏ hạt mọi người lại tiếp tục ngâm trong đá lạnh. Sau khi đã lột lấy thịt vải, mọi người cho thịt vải vào cái rổ và rẩy cho vải ráo nước nhanh. Không nên để lâu để vải tự ráo sẽ mất đi độ lạnh. Lúc này nước đường nguội rồi mọi người cho thịt vải vào và đưa vào ngăn mát tủ lạnh liền. Mọi người nên ngâm vải trong lọ thủy tinh đã được trụng nước sôi, để ráo. Như vậy sẽ bảo quản được vải lâu, không bị lên men chua.
Mọi người cũng lưu ý để giữ vải ngâm không bị lên men chua thì nước đường phải được nấu không quá nhạt, nấu sôi nước đường trong ít nhất 10 phút để đường keo lại. Khi mang vải ra ăn, mọi người nhớ lấy thìa sạch và khô ráo để múc vải.
Thành phẩm
Vải ngâm đem đi ướp lạnh sẽ cho ra món nước uống thanh mát, ngọt nước, còn quả vải thì trắng giòn. Đồng thời, uống nước vải ngâm không chỉ giải khát mà còn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Các bạn có thể lấy quả vải ngâm để ăn không hoặc có thể kết hợp với soda hay trà để làm nên trà vải hay soda vải. Vải ngâm đường có thể bảo quản được lâu nên các bạn đừng ngại làm nhiều để gia đình bạn cùng thưởng thức nhé. Đảm bảo nước uống này sẽ làm cho gia đình bạn thích mê và nghiện luôn món vải ngâm.
Cách lựa chọn những trái vải ngon, ngọt
Vải ngon có màu hồng đỏ, quả tròn đều, gai nhiều, nhẵn. Vải thiều thường nhỏ hơn vải lai, trong khi vải lai sẽ to và thuôn dài, màu đỏ đậm. Bạn không nên chọn những quả vải có đốm đen bởi chúng dễ bị thối và chín quá. Vải tươi thường hơi mềm, có độ đàn hồi, có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Quả vải ngon sẽ có phần thịt dày, mềm, màu trắng trong, mọng nước và dễ tách khỏi hạt. Ngoài ra, bạn nên mua vải đúng mùa để chọn được những trái vải ngon nhất.