Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch kém và hệ tiêu hóa củng hoạt động suy yếu dần. Ngoài ra người lớn tuổi thường ăn uống củng ít đi nên sức đề kháng kém và dẫn đến dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi cần phải chú trọng đến vấn đề chế độ ăn uống đầy đủ, giúp cơ thể khỏe mạnh để nâng cao đề kháng. Đồng thời phải bổ sung cân đối gồm những chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, béo, vitamin, nước, khoáng chất, chất xơ và chế biến thức ăn dễ tiêu hóa.
Người cao tuổi cần bổ sung những thực đơn bổ dưỡng
Muốn chăm sóc tốt cho người cao tuổi, chúng ta cần có những hiểu biết khoa học để vừa bồi bổ, vừa bảo vệ được sức khỏe của ông bà, cha mẹ.
Người già mắt kém, mũi ngửi kém, khó xác định được mùi của thức ăn, lưỡi không nhận ra thức ăn ngon hay không ngon, có hợp khẩu vị hay không, răng lung lay gây viêm lợi, thậm chí mưng mủ sẽ khó nhai nhuyễn thức ăn. Các hiện tượng này càng kéo dài làm cho người già chán không muốn ăn hoặc chỉ ăn qua loa. Một số người còn mắc bệnh mạn tính và thuốc dùng thường ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, giảm cảm giác ăn uống, thậm chí ăn ít và bỏ dở bữa ăn. Các nguyên nhân trên càng làm cơ thể suy nhược, khí huyết hư. Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi, có thể dùng một số thực đơn bổ dưỡng sau:
Những món cháo bổ dưỡng phù hợp với người cao tuổi
Cháo nhân sâm: nhân sâm tán bột 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho bột sâm vào. Đường phèn cho trong một ca nhỏ, thêm nước sôi khuấy cho tan và đổ vào nồi cháo, đun sôi lại. Ăn bữa sáng và tối khi đói. Dùng cho người cao tuổi cơ thể suy nhược, ăn kém, tim nhịp nhanh, thở gấp, mất ngủ quên lẫn… Món này rất thích hợp vào mùa lạnh.
Lưu ý, trong quá trình nấu cháo, không nên nấu kim loại như nhôm sắt. Vì sẽ làm mất tác dụng của nhân sâm. Khi ăn cháo nhân sâm, không được ăn củ cải và uống nước trà.
Cháo bổ hư chính khí: hoàng kỳ 30g, nhân sâm 4 – 8g (hoặc đảng sâm 10 – 15g), gạo tẻ 100 – 150g, đường trắng vừa đủ. Dược liệu thái lát hãm nước sôi, gạn lấy nước thuốc. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín, cho nước thuốc vào, đun nhỏ lửa cho sôi. Ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Món này rất tốt cho người cao tuổi bị suy nhược cơ thể hoặc sau bệnh dài ngày, ăn uống nuôi dưỡng kém.
Cháo củ mài: sơn dược 30g, gạo nếp 50g. Hai thứ nấu cháo, thêm đường trắng hoặc muối ăn tuỳ ý. Ăn quanh năm làm bữa phụ (sáng và tối), ăn nóng. Thích hợp cho người tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.
Thực đơn dành cho người già bị suy nhược cơ thể, chán ăn
Gà thập cẩm: thịt gà trống 150g, bột mì 200g, hành củ 15g, bột tiêu, gừng, gia vị vừa đủ. Thịt gà cùng với hành tiêu, gừng và các gia vị băm trộn sẵn để làm nhân bánh. Bột mì thêm nước nhào trộn cán thành vỏ bánh, trộn nhân, nấu luộc hoặc hấp chín làm bữa ăn chính. Ăn ngày 1 lần, đợt dùng 5 – 10 ngày. Món này rất tốt cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược gầy còm, da khô nhẽo.
Canh trứng gà cà chua: cà chua 250g, trứng gà 2 quả. Cà chua rửa sạch thái lát, đun chín, đánh trứng vào đảo đều, thêm nước và gia vị, đun sôi, ăn với cơm. Dùng cho người suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.
Ruốc cá tiêu gừng: cá lóc hoặc cá sộp 1kg làm sạch bỏ ruột và đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, thêm ít nước, kho chín. Gỡ bỏ xương cá, giã thành ruốc, thêm muối tiêu và chút bột gừng. Đảo khô trên chảo, để nguội, cho vào lọ sạch đậy kín. Ăn trong các bữa cơm, từng đợt 5 – 7 ngày. Dùng cho người cao tuổi hay phụ nữ, trẻ em suy nhược, người gầy yếu chán ăn.
Người cao tuổi nếu bị thừa chất béo sẽ dễ bị thừa mỡ trong máu, cholesterol trong máu tăng. Gây nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, có thể bị xuất huyết não, liệt nửa người… Vì thế nên hạn chế các chất béo cho cơ thê để tránh gây ra các căn bệnh khác.