Với diện tích tự nhiên trải rộng, địa hình đa dạng đã tạo cho mảnh đất núi rừng Lai Châu tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn làm cơ sở cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh và thậm chí là du lịch mạo hiểm…thế nhưng, khi dừng chân ghé thăm vùng đất này, ngoài phong cảnh hữu tình ẩm thực Lai Châu cũng là nét độc đáo nhất định bạn không nên bỏ qua. Sau đây là những đặc sản có một không hai ở Lai Châu bạn có thể tham khảo.
Lợn cắp nách – món ngon “ăn một lần quên cả lối về”
Lợn cắp nách là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng. Nó tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 – 15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon. Như hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng. Qua đó mang lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức. Lợn cắp nách nướng hay quay đều nhồi lá mắc mật bên trong. Bên ngoài da giòn vàng rụm, bên trong khi chín thịt ngọt, dai và thơm.
Cá bống vùi tro – đặc sản nức tiếng
Nếu có dịp đến với huyện Phong Thổ, bạn chớ bỏ qua món cá bống vùi tro – đặc sản của đồng bào dân tộc Thái. Cá bống có sẵn ở các con sông, suối. Sau khi bắt về được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được băm nhỏ như sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén, húng, hom… Sau khi ướp khoảng 15 – 30 phút, cá sẽ được gói gọn trong lá dong và vùi vào tro nóng. Khoảng 30 phút lại lật lại một lần. Cứ như thế vài lần cá sẽ chín. Đây là món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu. Và là món ăn dinh dưỡng trong mâm cơm gia đình, thường dùng với cơm nóng hoặc xôi.
Pa pỉnh tộp – món ăn đặc sản Lai Châu nổi tiếng
Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn khá cầu kỳ. Thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá. Người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột… Băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.
Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang. Kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, những gia vị được tẩm ướp và kẹp trong bụng cá sẽ thấm dần. Giúp món ăn tỏa mùi thơm hấp dẫn. Món ăn ngày nay khá phổ biến và được khách du lịch yêu thích bởi hương vị thơm ngon đậm đà.
Xôi tím Lai Châu – món đặc sản dân dã và bình dị
Là món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Lai Châu. Xôi tím thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay trong cách chế biến của người phụ nữ. Gạo nếp nương được ngâm kỹ từ 6 -8 tiếng trước khi đem đồ.
Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là “khẩu cắm” (một loại lá rừng). Cành và lá cây khẩu cắm được lấy và đem luộc, khi nước chuyển sang màu tím, sánh lại thì lấy nước đó để ngâm gạo. Theo kinh nghiệm của người bản địa, cây khẩu cắm ngoài dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Đồ xôi tím phải chú ý lửa đều, đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt mới đạt yêu cầu.
Rêu đá nướng – “ngon muốn nuốt luôn cả lưỡi” ở Lai Châu
Rêu đá là loại rau sạch của người dân Lai Châu. Người ta phải rất kỳ công khi lấy chúng về từ các tảng đá bên suối để chế biến thành các món ăn ngon cho gia đình như nấu canh, nướng, xào… Khi sơ chế rêu, người làm cần vớt rêu cho vào rổ, rửa qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì mới có thể đem nấu. Rêu nướng tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng. Món ăn mang lại sự tò mò và thích thú cho du khách khi lần đầu thưởng thức bởi sự mềm, ngậy và hương vị đặc trưng.
Nộm rau dớn – đặc sản Lai Châu lạ miệng
Rau dớn mọc ở khắp nơi trong vườn nhà, bờ ao, bờ suối. Nên thường có mặt trong bữa cơm hằng ngày của người Thái ở Lai Châu. Cách làm món này cũng khá đơn giản. Chọn những ngọn non rửa sạch, phơi nắng cho khô rồi đồ chín. Sau đó trộn đều cùng rau thơm, ớt, gừng, tỏ, mì chinh, muối và vắt thêm chút chanh tươi. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị. Sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm mát đặc trưng của rau dớn, vị chua ngọt của gia vị và bùi bùi của lạc.
Măng nộm hoa ban – đặc sản Lai Châu ngọt bùi
Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món măng nộm hoa ban. Cái tên gần như đã nói lên cả nguyên liệu và cách chế biến món ăn này. Nhưng để có được món măng nộm hoa ban như của người Thái ở Lai Châu. Ngoài sự khéo léo từ đôi bàn tay của người chế biến thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng.
Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được. Nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo. Còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi. Ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ.
Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng. Gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi. Ăn rồi lại muốn ăn thêm nữa.